29/09/2019 11:02:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, đặc biệt trước những diễn biến phức tạp, khó lường từ tình hình thế giới, khu vực; vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống đã tác động mạnh mẽ đến yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển, Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách lớn về định hướng chiến lược biển, định hướng Quốc phòng, an ninh, đối ngoại trên biển và xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển. Nghị quyết số 48/NQ-TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 định hướng đến năm 2020; Nghị quyết của Đảng về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Kết luận số 60/KL-TW ngày 16/4/2013 của Bộ Chính trị về kết quả và sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 xác định Cảnh sát biển Việt Nam là một trong những lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đảo, được chú trọng xây dựng theo hướng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đủ mạnh để bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh trên biển, đảo; là lực lượng nòng cốt, vững mạnh, làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất, khai thác tài nguyên biển.
Ngày 19/11/2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự phát triển, trưởng thành của lực lượng Cảnh sát biển, đồng thời là cơ sở pháp lý vững chắc để lực lượng Cảnh sát biển thực thi pháp luật trên biển; góp phần quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn trên các vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Luật Cảnh sát biển Việt Nam gồm 8 chương, 41 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019, có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan tới nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn trên biển; quy định chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam; liên quan tới nhiều Bộ, ngành, chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân. Theo đó, Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn trên biển. Cảnh sát biển Việt Nam có 3 nhóm chức năng, 7 nhóm nhiệm vụ, 10 quyền hạn. Luật cũng quy định về hoạt động và phối hợp hoạt động; tổ chức; bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách; quản lý nhà nước và trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương đối với Cảnh sát biển Việt Nam. Luật Cảnh sát biển Việt Nam ra đời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đối với lực lượng Cảnh sát biển; có vị trí, ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển trong giai đoạn hiện nay; thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân; là tuyên bố mạnh mẽ về quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế; là bước phát triển mới, tạo cơ sở pháp lý quan trọng, giúp Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực thi tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó.
Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho bà con ngư dân.
Thực hiện các quy định của Thông tư 42/2016/TT-BQP ngày 30 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong Bộ Quốc phòng; để cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng có tinh thần nghiên cứu, tìm hiểu một cách hệ thống, nắm chắc và đưa các quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam vào thực tiễn công tác, ngày 04 tháng 5 năm 2019, Tư lệnh Cảnh sát biển đã ra Chỉ thị số 406/CT-BTL về việc tổ chức Cuộc thi tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Thực hiện chỉ thị của Tư lệnh Cảnh sát biển và các Kế hoạch, Hướng dẫn của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, ngày 21/6/2019, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đã ra Quyết định số 2372/QĐ-BTL về việc thành lập Ban Tổ chức và phát động Cuộc thi tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam vòng sơ khảo. Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, sự hưởng ứng tích cực của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sỹ trong toàn Bộ Tư lệnh Vùng và các đơn vị kết nghĩa tạo nên khí thế thi đua sôi nổi trong nghiên cứu, học tập. Trải qua thời gian 02 tháng diễn ra Cuộc thi, đã có 846 bài tham gia dự thi, trong đó: cán bộ, chiến sỹ trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng tham gia 812 bài, Huyện đoàn Nghi Xuân (Hà Tĩnh) tham gia 06 bài, Hải đoàn 38 Biên phòng tham gia 28 bài. Có 97% số bài tham gia dự thi đạt Khá, Giỏi; 02 giải Nhất, 03 giải Nhì, 07 giải ba và 05 giải Khuyến khích. Ban tổ chức Cuộc thi cấp Vùng đã lựa chọn những bài thi có chất lượng gửi tham gia thi cấp Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, với sự đầu tư công phu về nội dung và hình thức, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đã xuất sắc đạt giải Nhất về tập thể; có 01 đồng chí đạt giải Nhất, 01 đồng chí đạt giải Nhì, 02 đồng chí đạt giải Ba. Kết quả Cuộc thi đã đóng góp một phần to lớn trong việc nâng cao nhận thức, sự hiểu biết về Luật Cảnh sát biển và các vấn đề có liên quan đến biển đảo của cán bộ, chiến sỹ trong toàn Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 nhân dân, đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn đóng quân.Có thể khẳng định, Cuộc thi tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam là một hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật rất thiết thực, hiệu quả. Với nhiều hình thức khác nhau và tính đa dạng của Cuộc thi đã giúp cho những quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam dễ dàng tiếp cận được với cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại đơn vị. Cuộc thi cũng đã góp phần lan tỏa, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của lực lượng Cảnh sát biển cũng như các quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam trong đời sống xã hội, góp phần vào mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Đảng và Nhà nước ta. Với ý nghĩa đó, các cơ quan, đơn vị trong toàn BTL Vùng Cảnh sát biển 1 đã tập trung nghiên cứu, tìm hiểu các quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam và đưa các quy định của Luật đi vào thực tế công tác, học tập.
Bên cạnh các nội dung câu hỏi của Cuộc thi, Luật Cảnh sát biển Việt Nam còn được Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 triển khai tuyên truyền tại đơn vị với nhiều hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng như: hội thảo, tọa đàm, tuyên truyền Luật trên hệ thống phát thanh nội bộ, tuyên truyền theo chuyên đề, kế hoạch… Do vậy, các quy định của Luật đã trở nên thực sự gần gũi, thiết thực với các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn đơn vị đóng quân, quản lý.
Từ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Thường vụ, Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Vùng, sự hướng dẫn, triển khai thực hiện của các tập thể, cá nhân trong Vùng, Cuộc thi tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã đạt được mục đích, yêu cầu đề ra; đồng thời thông qua Cuộc thi đã có ý nghĩa thiết thực trong xây dựng và đề cao giá trị chuẩn mực người chiến sĩ Cảnh sát biển, xây dựng nhân cách; đề cao ý thức chấp hành các chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của quân đội, nội quy cơ quan, đơn vị; coi trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp, ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ người chiến sĩ Cảnh sát biển trong xây dựng lòng yêu nước, xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa; bồi dưỡng ý thức và năng lực phát huy giá trị văn hóa ‘‘Bộ đội cụ Hồ - Người chiến sỹ Cảnh sát biển’’. Đây cũng chính là yếu tố tạo nên sự bền vững trong ý thức chấp hành pháp luật của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1. Cùng với đó, Cuộc thi đã góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng Cảnh sát biển “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”; góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng tính thượng tôn pháp luật đối với mọi cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân; xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn BTL Vùng Cảnh sát biển 1 tinh thần thi hành pháp luật nghiêm minh, công bằng, thống nhất, kiên quyết đấu tranh phòng chống các loại vi phạm, tội phạm; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên biển; góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên vùng biển được phân công./.
Nguyễn Văn Thiện